Nếu bạn đang phân vân có nên bán hàng online hay không thì bài viết dưới đây là dành cho bạn. Với bài viết này, mình là Hiếu Suro sẽ giải đáp tất tần tật xu hướng kinh doanh online trực tuyến 2023 cũng như toàn bộ các bước đầu tiên để bất cứ ai cũng có thể bắt đầu tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Vì sao bán hàng online lại phát triển nhanh chóng?
Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của những gian hàng online trên internet, từ Shopee, TiktokShop đến Website… Vậy, vì sao bán hàng online có bước tiến nhanh chóng như vậy? Cùng điểm qua một số nguyên nhân ngay sau đây.
Mong muốn tự chủ kinh tế & thời gian
Hầu hết các công việc tại văn phòng với khung giờ 8 tiếng mỗi ngày đều khiến chúng ta cảm thấy buồn chán, đặc biệt là các bạn trẻ Genz (mình đoán người Gen Y vẫn thấy chán). Bên cạnh đó, với mức thu nhập khi đi làm đôi khi cũng không đủ để chi trả mức phí sinh hoạt hàng ngày.
Hồi xưa, mình cũng có khoảng thời gian dài đi làm ở công ty, không phải ngồi văn phòng máy lạnh như bây giờ. Mà mình đi công trường xây dựng, leo tít lên tầng 20 để làm việc. Nên cũng phần nào hiểu được cái khó khăn cực khổ.
Chính vì vậy, nhiều người hiện nay đã lựa chọn hình thức kinh doanh online để chủ động tài chính cũng như thử sức bản thân với một lĩnh vực mới. Không chỉ nhân viên văn phòng mà học sinh, sinh viên hay mẹ bỉm sữa cũng đã dần nắm bắt được xu thế này và lựa chọn bán hàng trực tuyến để tăng thu nhập.
Trong đó có mình và những người trong dòng họ mình, hầu như ai cũng buôn bán online thứ gì đó. Lúc đầu hơi khó khăn, nhưng một thời gian đâu cũng vào đấy.
Thương mại điện tử phát triển nhanh
Với sự phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki gần đây nhất là Tiktok Shop… Khách hàng đã dần làm quen và chuyển đổi thói quen mua sắm của bản thân.
Nhìn thấy rõ nhất là trong đợt dịch vừa rồi, hầu như mọi cửa hàng đều đóng cửa, không ai ra ngoài nên ai cũng mua online và vì thế doanh thu trong đợt dịch của mình cũng tăng vài lần.
Ngoài ra, với nhiều chương trình khuyến mãi, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện tại đang cạnh tranh và thay phiên nhau chiếm lĩnh thị trường của người dùng.
Đầu tiên là Lazada, sau đó Shopee về với khẩu hiệu muốn mua rẻ lên Shopee ngay và thích shoping lướt Shopee. Bây giờ thì Tiktok Shop đang nổi lên và vượt mặt Tiki chỉ trong vài tháng.
Bên cạnh đó, những hình thức thanh toán online qua các loại ví điện tử như Shopee Pay, Momo, Zalo Pay… cũng được khách hàng nắm bắt nhanh chóng và “xài” một cách thuần thục.
Dễ thấy nhất là sau khi trải qua thời gian giãn cách vì Covid, hầu hết cửa hàng, các quán cà phê, các shop thời trang… các địa điểm bán hàng truyền thống đều bổ xung thêm hình thức thanh toán mới này.
Ưu điểm của kinh doanh online
Không phải tự nhiên mà “nghề” bán hàng online lại phát triển nhanh và trở nên phổ biến như hiện tại. Mình sẽ liệt kê một số ưu điểm của hình thức kinh doanh này ở dưới.
Không cần thuê mặt bằng, nhà trọ vẫn được!
Với hình thức kinh doanh trực tuyến, các chi phí vận hành như thuê kho bãi, kho hàng sẽ được giảm đi đáng kể. Nếu bạn là sinh viên ở trọ 20m2 thì vẫn đủ chỗ để bán, nói như thế thì bạn biết một điều là AI CŨNG CÓ THỂ BẮT ĐẦU ĐƯỢC!
Bên cạnh đó, so với bán hàng truyền thống thì bán hàng online sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn để thuê mặt bằng, setup cửa hàng, vận hành cửa hàng…
Tất nhiên là kinh doanh online hay mở cửa hàng cũng đều có ưu và nhược điểm riêng của nó, ở đây mình sẽ tập trung vào khía cạnh “làm sao để ít tốn chi phí nhất và ai cũng có thể bắt tay vào làm được”.
Còn nếu có nhiều tiền thì không phải nói, kiểu gì mình xơi cũng được. Nhưng mình cũng có vài ông bạn, tiền nhiều nhưng “tiêu” không đúng chỗ thì rồi cũng hết!
Cửa hàng của bạn luôn online 24/7
Đối với đa số hoạt động kinh doanh truyền thống, người bán hàng và khách hàng sẽ bị giới hạn về thời gian. Kiểu 8h sáng tới mở cửa hàng, 21h tối shop đóng cửa, khách mà tới sau giờ đó thì không mua được. hàng.
Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn được giải quyết với hình thức bán hàng qua mạng. Khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà, trong bất kỳ thời gian nào cũng có mở app và đặt mua sản phẩm yêu thích với một cú nhấp chuột.
Có thể bạn chưa biết, khách hàng mua hàng online trên Shopee đa số toàn sau 8h tối. Bởi vì Shopee làm quá tốt chỗ này, cứ đúng 24h đêm là tung quá trời mã giảm giá, làm ai cũng hẹn báo thức vào săn sale.
Trong đó có mình – just funny 🙂
Chính nhờ vậy mà chủ shop vẫn có thể tạo ra doanh thu đơn hàng trong khi đi ngủ, đi du lịch. Ví dụ như mình đang viết bài này cho bạn đọc mà đơn hàng bên Lazada Shopee TiktokShop vẫn đang nhảy từng phút.
Một ưu điểm khác của mua bán online chính là khách hàng có thể:
-
- Dễ dàng so sánh giá cả
-
- So sánh chất lượng sản phẩm thông qua người mua trước
-
- Không phải mắc công chạy tới chạy lui ra cửa hàng
Tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian và công sức
Quá trình giao dịch mua bán qua internet sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất của chuỗi hoạt động. Bạn hoàn toàn có thể mở nhiều shop khác nhau ở nhiều sàn TMĐT khác nhau và bán cùng một sản phẩm mà không tốn quá nhiều cho chi phí.
Mình sẽ có bài viết về việc scale up sản phẩm, số lượng shop để tăng doanh thu khi bán hàng online. Bạn nhớ lưu blog này lại để lần sau tiện vô đọc nha, hoặc lên google gõ từ khóa Hiếu Suro là ra à.
Marketing online hiệu quả
Với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, instagram đặc biệt là tiktok thì càng cho thấy hiệu quả rõ rệt khi bán online.
So với những hình thức quảng cáo như băng rôn, phát tờ rơi hay đăng tin trên báo,… thì những hình thức marketing online như Facebook Ads, SEO, quảng cáo, booking KOC… sẽ giúp người bán hàng tìm đúng đối tượng mục tiêu cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu nhanh chóng hơn.
Nên chuẩn bị những gì trước khi kinh doanh online?
Để kinh doanh online thì bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng và xem trước những loại chi phí dưới đây.
Chi phí cho kiến thức
Nếu là người mới bắt đầu và chưa biết gì về thị trường cũng như hình thức bán hàng online, hãy mạnh dạn đầu tư cho kiến thức. Ở giai đoạn đầu tiên, đa số mọi người sẽ làm theo cá nhân hoặc mô hình nhỏ từ 2 đến 3 người.
Nếu chỉ một mình khởi nghiệp và hạn chế về vốn thì bạn có thể đọc kiến thức hoàn toàn miễn phí tại blog của mình, không bổ ngang cũng bổ dọc.
Ngoài ra, mình có biên soạn một series kiến thức bán hàng shopee cho người mới bắt đầu, bạn có thể đọc qua để nắm kiến thức nhé.
Lúc này, một số công việc bạn sẽ phải làm là:
-
- Nghiên cứu sản phẩm, đối thủ, thị trường trước khi bán
-
- Đi tìm nơi để nhập sản phẩm với giá tốt nhất: nên tìm từ 5-10 xưởng, nhà cung cấp
-
- Triển khai các kênh bán hàng và các hình thức Digital Marketing: Shopee, Lazada, Tiktok
-
- Quản lý vận hành shop để tối ưu lợi nhuận
-
- Scale up số lượng shop
Nếu nắm chắc kiến thức và kỹ năng của 5 thứ trên thì quá trình vận hành gian hàng online trong thời gian tiếp theo sẽ dễ dàng và phát triển thuận lợi hơn.
Để chuẩn có các kiến thức này thì việc tìm hiểu trên mạng không quá khó, sắp tới mình cũng sẽ chia sẻ video chi tiết qua Youtube nữa, nhớ đăng ký kênh ủng hộ mình nha <3
Nếu bạn muốn bán hàng trên Shopee nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và bạn muốn mình support từ A-Z, bạn có thể tham khảo khóa học Bí quyết bán hàng Shopee tất tần tật từ A-Z của mình nha.
Với 15 chương, bạn sẽ hiểu rõ và nắm được những kiến thức quan trọng như:
-
- Hướng dẫn tìm nguồn hàng tốt
-
- Cách tạo uy tín để bán hàng online trên Shopee
-
- Phát triển gian hàng shopee bền vững
-
- Mẹo chạy quảng cáo có tỷ lệ chuyển đổi cao
-
- Ngoài ra được support trong nhóm kín zalo
-
- Được tặng khóa học quảng cáo shopee
Chi phí nhập hàng
Nếu chưa có nhiều vốn để nhập hàng, bạn có thể thử sức bằng công việc cộng tác viên / dropshipping bán hàng online. Đây là hình thức sẽ giúp bạn thử sức với kinh doanh qua mạng mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền để bắt đầu.
Chi phí nhập hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng của nguồn hàng, chi phí vận chuyển, tính chất của sản phẩm (sản phẩm bình dân, giá rẻ hay sản phẩm chất lượng cao)…
Chính vì vậy, bạn hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi đổ tiền đầu tư cho những sản phẩm mình định bán để tránh tồn kho. Nếu kinh doanh nhỏ, bạn chỉ cần khoảng 10 – 15 triệu để bắt đầu hành trình của mình.
Với người mới, mình luôn khuyên là tập làm CTV / Dropship trước khi chuyển qua nhập hàng về bán. Nó sẽ đỡ rủi ro cho bạn. Và chi phí cũng không quá nhiều (tầm 1 triệu là bắt đầu được).
Đọc thêm: 5 Cách Bán Hàng Online Không Cần Vốn Mà Không Phải Ai Cũng Biết!
Chi phí quảng cáo, marketing online
Sau khi đã nhập hàng (hoặc làm CTV/Dropship), bạn sẽ cần tính toán đến chi phí marketing. Chi phí này sẽ phụ thuộc vào từng nền tảng mà bạn sử dụng để kinh doanh.
Nếu bạn lập fanpage trên Facebook để chạy quảng cáo thì… dừng lại 2 giây, đừng đổ tiền của mình vào nó nếu bạn chưa hiểu. Mình từng mất rất nhiều tiền chỉ vì “không biết chạy quảng cáo facebook”.
Nên bạn phải cân nhắc, nếu được hãy lựa chọn bán hàng facebook thông qua trang cá nhân hoặc vào các hội nhóm đi seeding, nó hoàn toàn miễn phí.
Nếu bán hàng qua sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TiktokShop thì gần như không tốn chi phí gì nhiều, nếu muốn shop phát triển nhanh thì bạn chạy thêm quảng cáo nội sàn.
Nói chung, có rất nhiều kênh có thể bán được hàng, nhưng nên chọn kênh ít chi phí nhất nhưng vẫn đảm bảo ra đơn được là ổn hehe
Kỹ năng của người bán hàng online
Để trở thành một người kinh doanh online giỏi, ra số ra đơn tốt, bạn hãy tự trau dồi một số kỹ năng sau:
-
- Kỹ năng nghiên cứu sản phẩm, thị trường, đối thủ, khách hàng…
-
- Kỹ năng tìm và lựa chọn nguồn hàng chất lượng với mức chi phí giá vốn phù hợp
-
- Kỹ năng định giá sản phẩm phù hợp với tệp khách hàng hướng tới.
-
- Kỹ năng CSKH như giải đáp, tư vấn thắc mắc
-
- Kỹ năng xử lý tình huống: ví dụ khách hàng chửi mình thì phải làm sao? : )))
-
- Kỹ năng quản lý các kênh bán hàng
-
- Kỹ năng nói chuyện với xưởng, với shipper, với sàn sao cho người ta thương người ta giúp
-
- Nhiều lắm luôn, trong quá trình bán hàng thì bạn sẽ học thêm nhiều thứ hay
Người mới bắt đầu bán hàng online nên làm gì?
Để nhanh chóng gia nhập thị trường tiềm năng này, bạn có thể tham khảo những vấn đề như là mặt hàng kinh doanh, cách tìm nguồn hàng và các kênh triển khai bên dưới nha.
Mặt hàng kinh doanh
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà mình nhận được của đa số những bạn mới là “Bán hàng online nên bán gì?”.
Nhiều người còn nói đùa khi gặp mình là “cho em xin sản phẩm win”. Đúng á, chỉ cần tìm được sản phẩm win là coi như đi được 50% chặng đường rồi.
Các mặt hàng bán chạy hợp thị hiếu như thời trang nam nữ, mỹ phẩm, phụ kiện, gia dụng, mẹ và bé,… đều có tính cạnh tranh cao. Nhưng đừng nên chọn một ngành quá to, nên chọn một ngách nhỏ nhỏ thôi.
Nó giống kiểu, trong thời trang nam sẽ có rất nhiều ngành hàng khác nhau như: quần, áo, giày, phụ kiện… nhưng bạn đừng chọn chung chung là quần hoặc áo.
Mà hãy chọn áo polo cho trung niên từ 22-35 tuổi chẳng hạn, hoặc bạn chọn áo thun tuổi teen dành cho lứa học sinh sinh viên từ 16-22 tuổi. Như thế bạn mới đỡ cạnh tranh với những ông lớn trong ngành.
Nếu bạn muốn kinh doanh những mặt hàng này, hãy lên chiến lược tiếp thị phù hợp và xác định đúng đối tượng mục tiêu để tăng năng lực cạnh tranh trong ngành nhá.
Ngoài ra bổ xung thêm kỹ năng kiến thức chuyên môn để đỡ mắc các sai lầm.
Mình từng mất 100tr vì sai lầm nhập hàng hóa quá trớn, giờ 3 năm rồi vẫn còn đống hàng trong kho.
Tìm kiếm nguồn hàng
Để tìm kiếm được nguồn hàng bán online chất lượng, bạn cần bỏ thời gian và công sức. Dưới đây là 4 địa chỉ mà chủ kinh doanh online có thể tìm được sản phẩm.
Bắt buộc phải đi tìm, giả sử bạn tìm được sản phẩm ngon rất tiềm năng nhưng lại không tìm được nơi cung cấp giá tốt hoặc tìm phải nơi bỏ hàng dõm cho bạn thì coi như cũng công cóc.
Tại các chợ đầu mối
Khi mới bắt đầu kinh doanh, bạn nên tham khảo nguồn hàng tại các chợ đầu mối nổi tiếng. Chợ đầu mối chính là nơi tập trung số lượng lớn và đa dạng sản phẩm.
Ngoài chợ đầu mối, bạn cũng nên tham khảo các phiên chợ gần biên giới. Tại đó, các chủ thương lái sẽ nhập sản phẩm từ nhiều nước lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc. Bạn sẽ dễ dàng tìm được sản phẩm độc đáo và có khả năng tạo doanh thu cao.
Một số chợ đầu mối và chợ gần biên giới mà bạn có thể tham khảo là:
-
- Tại Hà Nội: Chợ Phùng Khoang, chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp,…
-
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: chợ Thủ Đức, chợ Tân Bình, chợ Kim Biên, chợ Bình Điền,…
-
- Vùng biên giới: chợ Mộc Bài (Tây Ninh), chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), chợ Móng Cái (Quảng Ninh),…
Nếu tìm kiếm nguồn hàng, bạn hãy đến trực tiếp các chợ đầu mối để khảo sát thị trường và kiểm soát được mặt hàng có chất lượng tốt.
Hai ưu điểm lớn nhất khi tìm hàng ở chợ đầu mối là giá thành phù hợp (có thể so sánh giá cả ở nhiều sạp) và sản phẩm được cập nhật theo trend. Chính vì vậy, nếu bạn nắm bắt kịp các thông tin, bạn sẽ lựa chọn được sản phẩm đầu mùa trend (bán lúc vừa trend).
Tìm nguồn hàng qua sàn thương mại điện tử
Ngoài các chợ đầu mối ra, người mới kinh doanh online cũng nên tìm hiểu và tham khảo nguồn hàng tại các sàn thương mại điện tử.
Hầu hết các website bán hàng online hiện nay đều có cả người bán trong nước và người bán quốc tế. Nếu nhập hàng quốc tế, hãy liên hệ với các bên trung gian vận chuyển để nhập hàng.
Một số sàn thương mại điện tử được nhiều người lựa chọn nhập hàng là:
-
- Trong nước: Shopee, Tiki, Sendo, Lazada, thitruongsi…
-
- Quốc tế: Taobao, eBay, Tmall, 1688, Amazon,…
-
- Các diễn đàn: Webtretho, Cholixi, Lamchame,…
-
- Các website: Muachung, Cungmua, Nhommua,…
Việc nhập hàng online qua các sàn mua bán trực tuyến có nhiều lợi ích cho người mới như:
-
- Sự đa dạng về mặt hàng, mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng,…
-
- Đánh giá được chất lượng sản phẩm nhờ bình luận của khách đã mua hàng.
-
- Nguồn hàng được cập nhật xu hướng nhanh chóng.
-
- Tiết kiệm thời gian tìm hiểu, vận chuyển.
Lâu lâu mình cũng nhập hàng sỉ trực tiếp trên Shopee của các shop nước ngoài, xong về chụp hình, quay video rồi up lại lên Shopee bán với giá cao gấp 2 gấp 3.
Khách hàng vẫn mua và mua nhiều nữa ấy chứ, có vài nguyên nhân như:
-
- Thời gian ship nhanh: mua ở shop nước ngoài thì 7-15 ngày, còn shop mình có 2-3 ngày
-
- Media khác: hình ảnh & video khác shop nước ngoài nên khách cũng khó phân biệt
-
- Giá bán cao: maybe nha, vì có nhiều khách họ nghĩ giá rẻ hàng dõm, giá cao hàng xịn
-
- Shop đã to: vì shop đã có lượng khách ổn định, up thêm sản phẩm giá cao để khách mua kèm vẫn là ok so với việc mua 2 đơn ở 2 shop khác nhau
Mạng xã hội
Dưới đây là 3 trang mạng xã hội mà bạn có thể tiếp cận và tìm nguồn hàng:
-
- Google: Với Google, bạn chỉ cần gõ tên sản phẩm muốn kinh doanh kèm theo các cụm từ như “giá sỉ”, “số lượng lớn”, “bán buôn”,… (Ví dụ: áo khoác jean giá sỉ)
-
- Facebook: Bạn có thể tìm kiếm trực tiếp trên thanh công cụ của Facebook hoặc tham gia vào các hội nhóm chuyên sỉ lẻ. Facebook chính là nơi quy tụ nhiều hội nhóm bán hàng nhất hiện nay. Chính vì vậy, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm được nguồn hàng tốt với mức giá hợp lý.
-
- Zalo: từ facebook hoặc ở đâu đó bạn sẽ tham gia vào các hội nhóm trên zalo, trong này có rất nhiều xưởng, tổng kho bỏ sỉ hoặc có chính sách dropship/CTV. Chiết khấu khá cao từ 30-50% lận.
Các xưởng gia công sản xuất
Nếu bạn có điều kiện về tài chính cũng như muốn lợi nhuận cao hơn thì cách tốt nhất chính là tìm nguồn hàng từ các xưởng gia công, sản xuất. Rồi bạn đặt mẫu gia công luôn, giống kiểu “nhập ở gốc ăn ở ngon”.
Các xưởng gia công hay làng nghề sẽ tập trung phần lớn tại khu vực ngoại thành. Nhập hàng từ các xưởng sẽ có một số ưu điểm như:
-
- Người bán hàng có thể linh hoạt và chủ động lên ý tưởng cho sản phẩm và tiến độ hàng hoá.
-
- Nguồn sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có nguồn gốc rõ ràng.
-
- Chất lượng tốt tại do bạn yêu cầu thành phẩm mà
-
- Mức giá cả hợp lý do không thông qua bên trung gian.
Đi kèm với lợi ích thì lựa chọn nhập hàng từ xưởng sẽ có một số vấn đề sau mà bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng:
-
- Cần đặt hàng với số lượng lớn nên nếu kinh doanh không hiệu quả, tình trạng tồn kho rất dễ xảy ra.
-
- Nhập hàng từ xưởng yêu cầu có nguồn vốn khá lớn và ổn định.
-
- Chủ shop sẽ tự chụp hình và quảng bá sản phẩm.
-
- Kiểm soát dòng tiền tốt, nếu không cũng dễ bị gãy lắm
Bán hàng online ở đâu? 3 kênh bán hàng không thể bỏ qua
Để nhanh chóng có được đơn hàng đầu tiên thì bạn có thể tham khảo 3 kênh bán hàng online dưới đây. Đây cũng chính là 3 kênh giúp rất nhiều người có được thu nhập tốt từ kinh doanh online.
Các sàn thương mại điện tử
Các trang thương mại điện tử là một lựa chọn tốt dành cho người mới bắt đầu, đặc biệt là những người trẻ, ít vốn. Bạn có thể đăng ký tài khoản và bán hàng tại bất kỳ website nào như Shopee, Lazada, tiktokshop…
Hầu hết các trang bán hàng trực tuyến hiện nay đều thu hút lượng người sử dụng lớn, giao diện dễ sử dụng và có nhiều chính sách hỗ trợ người bán.
Với lượng tương tác đông đảo và số lượng người theo dõi lớn, rất nhiều gian hàng trên Shopee, Lazada hay Tiktokshop có thể bán tới hàng nghìn đơn mỗi ngày.
Có shop mình biết bán 30000 đơn / ngày ở Shopee, còn tiktokshop thì cũng tầm 10000 – 30000 khá là nhiều luôn.
Chưa kể, vốn ít thì đây là kênh FREE (không tốn chi phí quá nhiều) để cho một người mới bắt đầu bán, độ hiệu quả cũng khá cao.
Học viên của mình có người U60 hay U40 hay các bạn trẻ mới 19-20 tuổi mà bán ở Shopee cũng ầm ầm, bạn thấy đấy, không gì là không thể.
Mặc dù người lớn tuổi không biết công nghệ, không rành thao tác máy tính nhưng vẫn bán được thì mình tin ai cũng có thể bán hàng online được.
TRỪ KHI: bạn không chịu bắt đầu hoặc bỏ cuộc giữa chừng
Mạng xã hội
Nhờ vào thói quen sử dụng mạng xã hội của người tiêu dùng Việt nên những nền tảng như Facebook, TikTok, Instagram hay Zalo chính là những kênh bán hàng tiềm năng. Bạn có thể bán hàng trực tiếp trên trang cá nhân hoặc tạo fanpage chuyên nghiệp.
Hình thức bán hàng trên mạng xã hội cũng được đa dạng hoá từ đăng bài đến livestream. Đặc biệt, xu hướng livestream đang nhận được nhiều sự quan tâm với lượt xem cao nếu bạn chăm chút vào kịch bản và sản phẩm tốt, giá cả phải chăng.
Về cơ bản, khách hàng ở đâu thì mình sẽ ở đó bán hàng cho khách. Như bạn thấy sàn TMĐT rồi mạng xã hội thì khách hàng tập trung giải trí, mua sắm rất nhiều.
Đây chính là một “hồ câu” có rất nhiều cá, việc của bạn là chuẩn bị cần câu và mồi ngon cộng một chút may mắn nữa là sẽ bán được!
Bán hàng trên Website
Xây dựng và phát triển một website riêng biệt kinh doanh thị trường ngách. Tuy chưa phổ biến bằng những cách trên nhưng đây lại chính là cơ hội để bất cứ ai bắt đầu sớm.
Một số kết quả từ báo cáo cho thấy rằng nếu khách hàng chủ động đến website của bạn thì tỷ lệ mua hàng sẽ cao hơn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bạn cần phải có một số vốn nhất định, biết thêm về marketing online để kéo traffic thì mới bán được, bán qua website không phù hợp với số đông.
Nên bạn cứ đọc và tìm hiểu thêm về cách này, sau này làm vẫn chưa muộn.
Còn với một người mới thì cái gì ít tốn chi phí nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả thì cứ làm, không nên lao vào những cái mà người khác vẽ ra để rồi nhận trái đắng.
Lúc mới bán, mình cũng ham hố làm website đồ, học cách làm mất cả tháng, tốn mớ tiền. Nhưng kiến thức về marketing online (kéo khách hàng vào website) không có nên thất bại.
9 mẹo bán hàng online đắt khách không thể bỏ qua
Nếu đã có dự định kinh doanh thì bạn đừng bỏ qua 9 cách bán hàng online hiệu quả, đắt khách dưới đây nhé! Mình sẽ viết chi tiết thành bài riêng từng cách để bạn nắm rõ kiến thức hơn.
Chọn đúng thị trường ngách
Những thị trường ngách sẽ là một yếu tố quan trọng khi bạn quyết định sản phẩm kinh doanh. Với thị trường ngách, số lượng người kinh doanh không quá lớn sẽ giúp bạn chiếm ưu thế nhanh chóng nếu sản phẩm tốt.
Bạn hãy hình dung, giờ đi con đường to đường chính thì rất nhiều người đi, xe tải xe con xe máy đủ cả, bạn sẽ bị kẹt xe (thị trường lớn).
Nhưng nếu bạn đi đường hẻm, tuy hẻm nhỏ nhưng sẽ ít ai biết, ít ai đi, không có xe 4 bánh nên bạn vẫn chạy vèo vèo (thị trường ngách).
Ví dụ | Thị trường lớn | Thị trường ngách |
1 | Thời gian nữ | Áo croptop cho nữ, người gầy dưới 60kg |
2 | Gia dụng | Dụng cụ bếp: rổ, thớt, phụ kiện dưới bếp |
3 | Giày dép nam nữ | Chỉ bán dép nam |
Mặc dù thị trường ngách có ít cạnh tranh hơn nhưng tệp khách hàng tiềm năng sẽ không quá lớn. Do đó, bạn cần cân nhắc và lên chiến lược rõ ràng để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhé.
Quan tâm đến định giá sản phẩm
Giá bán sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cả quá trình kinh doanh. Chính vì vậy, bạn không thể định giá theo cảm tính.
Bạn không thể nào nhập vào 50k/sản phẩm mà lại đi bán 500k được. Nhưng lại đi bán 60k thì sẽ lỗ nặng, nên phải học cách định giá khi bán.
Với mức bán hợp lý, bạn sẽ đạt được một số lợi ích sau:
-
- Phân khúc được khách hàng mục tiêu, tiết kiệm được nguồn ngân sách khi chạy quảng cáo.
-
- Giá bán hợp lý có thể tăng sức cạnh tranh với các đối thủ khác.
-
- Định vị thương hiệu của shop trên thị trường.
-
- Tips: tìm nguồn hàng rẻ để tăng sự cạnh tranh
Để xác định được mức giá phù hợp, bạn cần chú ý đến các yếu tố bên trong và bên ngoài như mức cầu của người dùng, sự cạnh tranh cũng như các vấn đề khác.
Tìm điểm nổi bật của sản phẩm, dịch vụ (USP)
Để nhanh chóng gây ấn tượng với khách hàng và tạo dựng thương hiệu nhanh chóng, bạn cần tìm ra và nhấn mạnh vào điểm bán hàng độc đáo của mình (USP hay Unique selling point).
USP chính là yếu tố giúp người tiêu dùng nhận ra sản phẩm/dịch vụ của bạn so với đối thủ.
USP của bạn có thể là giá thấp nhất hoặc chất lượng tốt nhất, sản phẩm ra mắt đầu tiên tại khu vực X,… USP chính là những yếu tố bạn sở hữu nhưng đối thủ lại không có.
Nếu biết cách marketing online, sản phẩm/dịch vụ và thương hiệu của bạn sẽ nhanh chóng được khẳng định trên thị trường.
Tạo dựng kênh website giúp khách hàng mua sản phẩm dễ dàng
Như Hiếu Suro đã trình bày ở trên, website sẽ giúp tăng tỷ lệ mua hàng. Để hoạt động kinh doanh phát triển, bạn cần chú ý đến giao diện và các tính năng tại website của mình.
Một website bán hàng sẽ cần có những tính năng như: giỏ hàng, thanh toán theo nhiều phương thức, cách thức liên hệ với người bán, quy định, tài khoản…
Hầu hết người dùng chỉ truy cập vào website trong thời gian ngắn, nên bạn chỉ có khoảng từ 7 – 10 giây đầu tiên để thu hút sự chú ý của họ. Lưu ý:
-
- Không ép buộc khách hàng đăng ký tại giao diện đầu tiên khi họ truy cập vào website.
-
- Điều hướng trang web đơn giản và nhất quán.
-
- Hạn chế kéo dài quá trình mua hàng, càng nhiều bước sẽ càng ảnh hưởng đến suy nghĩ và quyết định của khách hàng.
Nhưng khoan, như mình nói ở trên. Khoảng đầu tư website này nên để dành sau này (hoặc bạn có nhiều tiền, dư nguồn lực thì cứ làm mạnh tay).
Kinh doanh online đa kênh
Khi kinh doanh, bạn nên trải đều sản phẩm của mình trên nhiều kênh để tối ưu hoá lợi nhuận và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Hãy kết hợp đa dạng các kênh bán hàng như website, mạng xã hội hay tạo app bán hàng online để tăng sự nhận diện về sản phẩm và thương hiệu.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn cần phân bổ nguồn vốn và nhân lực phù hợp cho đều các kênh. Sau thời gian hoạt động và theo dõi, hãy đánh giá mức độ hiệu quả của các kênh và tập trung chăm sóc cho kênh có tiềm năng.
Lời khuyên của mình là nếu bạn mới bán thì cứ tập trung mạnh vào một kênh duy nhất mà thôi, ví dụ khi chọn bán Shopee thì bỏ hết tất cả các kênh còn lại.
Khi Shopee đã ra đơn đều đều, hãy phân bổ thời gian nguồn lực đầu tư thêm shop thứ 2 trên kênh đó và mở rông sang kênh khác.
Sử dụng công cụ bán hàng
Nếu có nhiều hơn 1 kênh bán hàng, bạn có thể cân nhắc sử dụng công cụ hỗ trợ để quản lý hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.
Những công cụ này sẽ giúp bạn tổng hợp toàn bộ về các loại chi phí vận chuyển, quản lý, nhân sự cũng như doanh số thu được.
Một số ưu điểm của hầu hết các loại công cụ hỗ trợ bán hàng là:
-
- Tự động đồng bộ thông tin từ nhiều kênh bán hàng.
-
- Thông tin giá bán, sản phẩm, số lượng tồn kho,… được cập nhật nhanh chóng.
-
- Công cụ được tích hợp nhiều nhà vận chuyển.
-
- Tương thích với nhiều thiết bị, chỉ cần có kết nối internet.
-
- Tự động lập báo cáo thống kê.
Chú ý đến dịch vụ khách hàng
Khi một người cân nhắc mua sản phẩm từ shop bạn là họ đang tìm kiếm sự tin tưởng. Hãy cố gắng cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn để họ không do dự khi mua sắm.
Ví dụ, hãy sẵn sàng nhận lỗi và đổi trả nếu sản phẩm có vấn đề khi khách hàng khiếu nại.
Một cách để bán hàng hiệu quả là hãy đảm bảo rằng nếu khách hàng không hài lòng về sản phẩm, bạn sẽ hoàn lại tiền hoặc bù đắp bằng cách đổi trả nhanh chóng.
Bên shop mình có dịch vụ là nếu khách hàng nhận được hàng lỗi thì shop sẽ gửi một sản phẩm mới, không cần dài dòng, không hỏi gì cả thậm chí không cần thu hồi sản phẩm kia.
Lên kế hoạch quảng cáo sản phẩm
Khi đã có nguồn hàng tốt và lựa chọn kênh bán hàng phù hợp thì bạn cần quảng bá sản phẩm của mình. Có nhiều phương thức để tiếp cận với khách hàng nhưng cách nhanh nhất vẫn là quảng cáo.
Một số phương thức quảng bá online hiện nay được nhiều người sử dụng như SEO Website, Facebook Ads, Google Ads, Tiktok Ads,… Các hình thức quảng cáo này sẽ giúp người bán dễ dàng biết được những đối tượng nào quan tâm và có nhu cầu sử dụng sản phẩm của mình.
Bán sàn TMĐT thì cũng có quảng cáo nội sàn, đăng ký các gói marketing của sàn…
Khuyến khích chia sẻ
Nếu bạn đang bán hàng facebook ở trang cá nhân thì hãy khuyến khích khách hàng của bạn chia sẻ những bài viết hữu ích và có giá trị từ trang cá nhân hoặc fanpage của bạn.
Điều này sẽ giúp bạn mở rộng được mạng lưới khách hàng mà không cần tốn chi phí quảng cáo. Hãy tận dụng các ngày lễ để tổ chức minigame hoặc các chương trình thu hút tương tác.
Tổng kết
Như vậy, bài viết trên đây của mình đã giúp bạn hiểu hơn về bán hàng online cũng như một số cách thức để bắt đầu kinh doanh.
Về cơ bản, chúng ta chỉ có vài bước để bắt đầu bán thôi như: nghiên cứu, tìm sản phẩm, tìm chỗ nhập sỉ, chọn kênh bán, ra đơn thì quản lý vận hành, ổn nữa rồi thì nhân bản shop/kênh ra.
Nhưng để làm được những điều trên thì không phải dễ, cần phải có nhiều kỹ năng, kiến thức mới được. Hoặc bạn đã từng bán ở Facebook rồi, giờ qua Shopee thì cũng sẽ dễ hơn.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn đừng ngần ngại mà hãy để lại ý kiến bên dưới, mình sẽ hỗ trợ bạn. Bên cạnh đó, đừng quên theo dõi các bài viết khác của Hiếu Suro nhá.
1 bình luận về “Bán Hàng Online 2023 – Mọi Thông Tin Để Kinh Doanh Hiệu Quả”