Nội dung

7 Nguyên Nhân Ảnh Hưởng Đến Lượt Bán Trên Shopee Và Cách Khắc Phục

Facebook
Print

Sau một khoảng thời gian chúng ta gầy dựng shop, bán hàng trên Shopee, thì dần dần, chúng ta cũng sẽ có những sản phẩm có lượt bán rất tốt, hay còn gọi là sản phẩm chủ lực – sản phẩm bán chạy nhất của shop mình. Tuy nhiên, tự nhiên một ngày nào đó, sản phẩm ấy không còn bán được nữa.

Ví dụ, giả sử bây giờ mình đang bán 20-30 đơn một ngày cho một sản phẩm, và tự nhiên, một ngày nào đó, số lượng đơn hàng chỉ còn một, hai đơn hoặc thậm chí là không có đơn nào. Cũng có nhiều trường hợp nhắn tin với Hiếu rằng sản phẩm đang có 5000-6000 lượt đã bán và khoảng 1000-2000 đánh giá rất tốt, nhưng bỗng dưng không còn đơn hàng nào nữa và cũng không biết lý do tại sao.

Trong bài viết ngày hôm nay, Hiếu sẽ chia sẻ những gạch đầu dòng để bạn kiểm tra xem lại liệu mình có vi phạm gì không nhé. Rồi, Hiếu xin mời bạn cùng xem video với Hiếu nha!

Bạn có thể xem video trên youtube qua đây nghen ^^

1. Kiểm tra đánh giá sản phẩm

Ý số một, bạn kiểm tra lại giúp Hiếu toàn bộ các đánh giá của sản phẩm đó. Có khách hàng nào đó đánh giá 1 sao và chê về sản phẩm hay không? Nếu đánh giá 1 sao đó liên quan đến các yếu tố như giao hàng lâu, không liên quan đến chất lượng sản phẩm thì không sao, mình có thể phản hồi lại đánh giá đó để giải thích cho khách hàng.

Tuy nhiên, nếu khách hàng mua sản phẩm của mình và đánh giá 1 sao liên quan đến chất lượng sản phẩm, ví dụ như mua một nồi cơm điện về nhưng bấm cảm ứng trên nồi cơm điện không hoạt động, thì mình phải xử lý đánh giá 1 sao đó. Bạn có thể liên hệ lại với khách, nhắn tin hoặc đền bù cho khách để họ sửa lại đánh giá thành 5 sao. Vì những đánh giá 1 sao liên quan đến chất lượng sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi của sản phẩm.

2. Kiểm tra mã miễn phí vận chuyển (Free Shipping)

Số hai, bạn kiểm tra lại giúp Hiếu xem shop của mình có bị mất gói FreeShip xtra hay không. Hãy tưởng tượng, giữa hai sản phẩm hoặc rất nhiều sản phẩm khác nhau, nhưng chỉ có sản phẩm của mình không có mã FreeShip, trong khi các sản phẩm khác có. Tất nhiên, khách hàng sẽ ưu tiên mua sản phẩm có FreeShip vì nó giảm chi phí vận chuyển gần như bằng không.

Hồi xưa, cũng có một câu chuyện vui như thế này: bây giờ mình bán một sản phẩm giá 200.000đ cộng 30.000đ tiền ship là 230.000đ, khách hàng còn đắn đo suy nghĩ. Nhưng giả sử mình nói bán một sản phẩm giá 230.000đ và FreeShip, thì khách nào cũng rất thích. Đó là minh chứng cho việc mã FreeShip rất quan trọng. Hiếu khuyến khích bạn nên đăng ký tối thiểu một chương trình FreeShip Extra để có mã giảm giá cho khách hàng.

3. Kiểm tra xu hướng và nhu cầu thị trường

Số ba, bạn xem thử sản phẩm mình đang bán có còn xu hướng hay không, có còn nhu cầu không, hoặc có đúng mùa vụ không.

Ví dụ, nếu đang ở thời điểm mùa hè, mình bán máy quạt, máy phun sương, máy quạt hơi nước thì rất tốt. Nhưng đến tháng 10, tháng 11, khi thời tiết chuyển lạnh, nhu cầu sử dụng các sản phẩm này giảm, việc bán hàng sẽ khó khăn hơn.

Do đó, bạn phải kiểm tra xem sản phẩm của mình có liên quan đến mùa vụ hay không, và nhu cầu thị trường còn không.

4. Kiểm tra đối thủ cạnh tranh

Số bốn, bạn xem thử sản phẩm của mình có đối thủ nào nhảy vào cạnh tranh không và họ bán giá bao nhiêu. Giả sử bây giờ mình bán một lượt giá 100.000đ, nhưng có 10 đối thủ nhảy vào và bán với giá 80.000đ – 90.000đ, thì sẽ xảy ra cạnh tranh về giá.

Để giải quyết cạnh tranh giá, Hiếu sẽ tóm tắt một vài ý:

  • Thứ nhất, xem thử hình ảnh, video của mình có trùng với đối thủ hay không. Nếu có, mình có thể tự chụp hình và làm riêng bộ hình ảnh, video cho shop mình.
  • Thứ hai, sản phẩm của đối thủ thường có lượt bán và lượt đánh giá ít hơn mình, nên mình vẫn có lợi thế cạnh tranh.
  • Thứ ba, nếu có nguồn lực và vốn, mình có thể cân nhắc hạ lợi nhuận xuống một chút và bán bằng giá với đối thủ, hoặc không cần quan tâm đến giá luôn vì sản phẩm của mình đã có nhiều đánh giá và lượt bán rồi.

5. Kiểm tra các vi phạm trên Shopee

Số năm, bạn kiểm tra xem shop của mình có bị vi phạm gì không, ví dụ bị sao quả tạ, giao hàng trễ, hoặc bị khóa sản phẩm. Khi bị sao quả tạ hoặc bị phạt, traffic và hiển thị của mình sẽ bị hạn chế. Shopee sẽ phạt bằng cách hạn chế hiển thị sản phẩm của mình, làm giảm lượng traffic.

Bạn kiểm tra lại giúp Hiếu xem có bị vi phạm không nghen!

6. Kiểm tra tồn kho

Số sáu, bạn kiểm tra xem sản phẩm của mình có tồn kho bằng 0 hay không. Nếu tồn kho bằng 0, sản phẩm sẽ bị ẩn đi, không còn được hiển thị tự nhiên nữa, và không còn traffic. Khách hàng cũng không thể bấm vào nút mua hàng được.

Bạn có thể cập nhật tồn kho bằng cách để kho ảo với số lượng lớn, hoặc để tồn kho thực tế. Nếu bán lâu năm và có nhiều hàng, bạn có thể bật cảnh báo tồn kho để khi gần hết hàng, hệ thống sẽ báo và bạn có thể nhập hàng thêm.

7. Kiểm tra quảng cáo

Cuối cùng, số bảy, bạn kiểm tra xem quảng cáo của mình có bị ngừng hay không. Khi quảng cáo bị ngừng, phân phối hiển thị của quảng cáo sẽ mất.

Ví dụ, khi hết tiền, quảng cáo sẽ bị ngừng. Hiếu gợi ý bạn bật tính năng nạp tiền tự động khi số tiền còn dưới 50.000đ để tránh việc quảng cáo bị ngừng đột ngột.

Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các chỉ số trong quảng cáo để đảm bảo hiệu quả.

Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời, để sản phẩm của bạn có thể duy trì doanh số tốt nhất trên Shopee. Chúc bạn kinh doanh thành công và sớm đạt được những cột mốc mới!

Hiếu Suro
Hiếu Suro
là Blogger & Seller. Hiện tại Hiếu đang bán hàng Shopee (+ các kênh khác) và viết blog chia sẻ kinh nghiệm bán hàng Shopee hiệu quả. Ngoài ra, Hiếu có 1 kênh Youtube chia sẻ mọi thứ về kinh doanh online. Kết nối với Hiếu qua: + youtube   + facebook   + zalo   + about 

Viết một bình luận

Khóa học Shopee từ
hiếu Suro